Những năm cuối Tấn_Điệu_công

Năm 560 TCN, Tuân Oanh, Ngụy Tướng, Sĩ Phường đều bệnh chết. Tấn Điệu công lấy cớ đi săn, tập hợp quân đội ở Miên Thượng, dùng Phạm Mang làm Trung quân nguyên soái, Phạm Mang từ chối và tiến cử Tuân Yển thay mình vì Yển lớn tuổi hơn, nhà vua nghe theo. Lại lấy Phạm Mang làm Trung quân phó tướng, Triệu Vũ làm Thượng quân nguyên soái, Hàn Khởi làm Thượng quân phó tướng, Loan Áp, Ngụy Giáng làm Hạ quân chánh, phó tướng[51].

Năm 559 TCN, nước Ngô nhân nước Sở có tang mà đem quân đánh chiếm. Tấn Điệu công hội chư hầu ở đất Hướng. Trong buổi hội, người Tấn trách cứ người Ngô vì việc nhân tang sự mà động binh, đuổi sứ Ngô về, rồi bắt giam công tử Vụ Lâu nước Cử vì Cử bỏ theo Sở. Bấy giờ trong danh sách những người đến hội có cả vị khanh nước Lỗ, vua Tấn cho liệt ngang với hàng chư hầu. Kinh Xuân Thu cho rằng từ đây Tấn Điệu công bắt đầu trễ biếng, nghiệp Bá suy mòn từ đây[52].

Cùng tháng 4 năm 559 TCN, ở Vệ quốc, Vệ hầu là Hiến công bị Tôn Lâm Phủ truất phế, đến ngụ ở ấp Lai thuộc Tề quốc[53][54]. Tấn Điệu công muốn đem quân giúp vua Vệ, nhưng Tuân Yển cho rằng vua Vệ vốn vô đạo, nên để mặc thì hơn, Điệu công theo lời[55].

Ở Tề quốc, năm 558 TCN, Tề Linh công biết Tấn quốc đã có ý trễ biếng, bèn tìm cơ sinh sự tranh ngôi bá chủ, bèn sai người kích động nước Châu cướp phá thành ấp nước Lỗ ở Nam Bỉ. Vua Lỗ phải cầu cứu nước Tấn. Tấn hầu hội chuẩn bị phạt Châu và Cử, nhưng giữa lúc đó lại lâm bệnh nên đành thôi. Đến ngày Quý Hợi tháng 11 năm đó, Tấn Điệu công qua đời khi mới 29 tuổi, làm vua được 15 năm. Thế tử Bưu lên nối ngôi, tức là Tấn Bình công[3][5][56].